Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Vừa chấm vừa “thanh”

Dùng chung đội ngũ chấm thi cho chấm thanh tra chưa hẳn sẽ đem đến hiệu quả mong đợi, trong khi các trường lại còn phải tốn thêm kinh phí, thời gian…
Quy định chấm thanh tra 5% bài thi tự luận năm nay khiến các trường ĐH, CĐ cảm thấy áp lực và thực hiện… miễn cưỡng.
Thiếu hào hứng chấm “lượt về”
Tại Hội nghị tập huấn máy tính cho các đơn vị trước thềm kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM, ông Ngô Kim Khôi (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT) cho biết Ban chấm thanh tra sẽ chấm tối thiểu 5% số bài thi tự luận. Việc chấm thanh tra sẽ thực hiện bám theo tiến độ của Ban chấm thi, tức là “vừa chấm vừa thanh”. Chẳng hạn, chấm được 100 bài thì bắt đầu chấm thanh tra 5 bài; 200 bài thì tương ứng 10 bài… Việc chấm thanh tra nhằm kiểm tra chất lượng công tác chấm thi của các trường và kịp thời điều chỉnh nếu có sai sót để đảm bảo độ chính xác, khách quan và công bằng cho các thí sinh.
Trên thực tế, vì nhiều lý do, không ít trường cảm thấy thiếu hào hứng với việc tổ chức chấm “lượt về” này. TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đơn cử: “Nếu trường mời 50 cán bộ chấm thi thì sẽ cử riêng 10 người trong số đó thực hiện chấm thanh tra. 10 cán bộ này cũng sẽ được phổ biến quy chế chấm thanh tra giống hệt như chấm thi thông thường. Như vậy, chấm thanh tra liệu có cần thiết? Chưa nói nó còn có thể làm ảnh hưởng tiến độ chấm bài của các trường”.

 

Cán bộ chấm thi đang chấm môn văn tại Trường ĐH Sài Gòn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012.

 

Ông Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) cũng cho rằng, dù trường có cách để đảm bảo tiến độ chấm thì hiệu quả chấm thanh tra sẽ không rõ rệt vì Ban chấm thanh tra cũng chính là cán bộ của trường. Chưa kể đối với chấm thanh tra, người chấm sau thường có tâm lý “nể nang”, ngại làm mất uy tín của người chấm trước.
Trong khi đó, để đảm bảo chất lượng, ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho rằng chỉ giao nhiệm vụ chấm thanh tra cho những giảng viên khoa cơ bản tại trường. Còn giáo viên phổ thông chỉ được mời chấm thi ở “lượt” đầu tiên. Theo ThS. Sơn, các giáo viên phổ thông vẫn có tinh thần trách nhiệm đối với công tác chấm thi nhưng dù sao thì những “người nhà”, đã thuộc biên chế của trường sẽ đảm bảo được trách nhiệm cao hơn.
Xử phạt mạnh để siết chất lượng
Thay vì phải lập Ban chấm thanh tra tốn kém, nhiều trường chung quan điểm rằng Bộ GD-ĐT nên có biện pháp xử lý mạnh sai phạm để siết chặt công tác chấm thi. Ông Trần Mạnh Thành nêu: Việc chấm thanh tra 5% sẽ gây áp lực cho những trường có lượng thí sinh đông trong khi hiệu quả chẳng bao nhiêu. Bộ GD-ĐT nên kiểm tra và phạt thật nặng những trường sai phạm trong công tác chấm thi thì sẽ siết được chất lượng.
ThS. Phạm Thái Sơn cũng đặt vấn đề, đối với chấm thanh tra, lo lắng nằm ở chỗ một số giảng viên có thể chấm qua loa hoặc thậm chí lấy nguyên kết quả chấm trước mà ngại chấm lại, khi đó không đảm bảo tính khách quan. Vì vậy, cần nhất là những biện pháp chế tài mạnh nhằm nâng cao tính trách nhiệm của người chấm.
TS. Nguyễn Tiến Dũng nhìn nhận: “Theo quy chế cũ, bộ yêu cầu sau khi tuyển sinh, các trường phải thực hiện thanh tra nội bộ, từ đó, phát hiện những sai lệch để chấn chỉnh. Năm nay, chúng ta có thêm quy định mới là chấm thanh tra. Thực tế, chấm thanh tra cũng không khác việc chấm bình thường vì cũng tổ chức thêm một đội ngũ chấm nữa, họ cũng hiểu và tuân thủ đúng quy chế chấm như thông thường. Dĩ nhiên, có sự khác biệt vì ở chấm trắc nghiệm tính khách quan tương đối cao, ở tự luận còn phụ thuộc nhiều vào quan điểm của người chấm, song trước đó bộ đã có quy định chặt chẽ về vấn đề chấm thi từ việc lệch nửa điểm, 1 hay 2 điểm sẽ ra sao rồi. Vì vậy, chỉ cần phối hợp tốt giữa quá trình chấm thi với thanh tra nội bộ sau tuyển sinh và thanh tra của Bộ GD-ĐT sau tuyển sinh là đã đảm bảo, đỡ tốn thêm công thực hiện khâu chấm thanh tra”.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Thay đổi cách tính điểm sàn
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tại Hội nghị tuyển sinh vừa qua, nhiều trường phản ánh nguồn tuyển không đủ. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã tính toán điểm sàn dôi dư lớn nhưng không tính được sự dịch chuyển của thí sinh nên gây khó khăn cho các trường. Bộ GD-ĐT đã thấy vấn đề này và năm nay sẽ xây dựng làm sao để các trường và địa phương có đủ nguồn tuyển. Đối với ý kiến có nhiều mức điểm sàn khác nhau, thực tế hiện nay Bộ GD-ĐT chưa có nghị định phân tầng ĐH nên chưa thể buộc các trường lấy điểm sàn tuyển sinh bao nhiêu cho vừa. Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng nghị định này và xếp hạng các trường ĐH. Khi nào xong thì sẽ có cơ chế xử lý.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm có hai phân số để xác định điểm sàn. Thứ nhất là ngưỡng tối thiểu để thí sinh học được ĐH (tức là phải đạt điểm trung bình mỗi môn bằng bao nhiêu). Thứ hai là chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ trong năm nay. Điểm sàn không thể quá thấp vì với mức điểm sàn như hiện nay thì trung bình mỗi môn thi thí sinh chưa đạt được 5 điểm. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ không “buông” điểm sàn.
Vừa qua, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có kiến nghị được tuyển sinh riêng. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết bộ hoàn toàn ủng hộ các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng: Thi, xét tuyển hoặc kết hợp nhưng phải làm như thế nào thuyết phục, đảm bảo công bằng, không xảy ra dạy thêm – học thêm, làm thế nào để xã hội giám sát về chất lượng… Bộ GD-ĐT khuyến cáo hiệp hội cân nhắc kỹ, vì cuối cùng vẫn là chất lượng đầu ra, xã hội không chấp nhận sẽ ảnh hưởng uy tín các trường. Yêu cầu cụ thể khi giao cho các trường tuyển sinh riêng là đảm bảo công bằng không phát sinh căng thẳng mới cho xã hội, không tái diễn luyện thi; xét tuyển phải chứng minh tốt hơn thi tuyển; đảm bảo quyền lợi đầu ra của người học…
Nghiêm Huê

Bình luận về bài viết này