Những điểm mới của kỳ thi Đại Học, Cao Đẳng năm 2013

Ngày 22-1, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh ĐH, CĐ 2003, công bố những điểm mới của kỳ thi năm nay. Mùa tuyển sinh này, bộ tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc TCCN trong các trường ĐH theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt hoạt động này trước năm 2017.
Từ ngày 11-3 đến 11-4, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại các trường THPT và sở GD-ĐT các tỉnh/thành. Thí sinh nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ từ ngày 12 đến 19-4.
Thanh tra chấm 10% bài thi
Điểm mới nhất của kỳ thi năm 2013 là bổ sung ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường, có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn thi tự luận. Ông Nguyễn Đức Minh – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cho rằng tỷ lệ chấm 10% của ban thanh tra là khá nhiều, gây tốn nhiều thời gian và công sức và có thể ảnh hưởng đến tiến độ chấm chung của các trường. Ông Minh lo ngại, cứ chấm như vậy nguy cơ sẽ không kịp công bố kết quả cho thí sinh.
Quy chế cũng sẽ bổ sung chế tài xử lý cảnh cáo hoặc có hình thực kỷ luật cao hơn đối với chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những cá nhân, đơn vị liên quan nếu để sai sót, không đúng quy định trong công tác chấm thi. Bộ GD-ĐT thành lập Hội đồng chấm thẩm định và tổ chức chấm thẩm định bài thi tự luận, công bố công khai kết quả chấm thẩm định. Kết quả chấm thẩm định là kết quả cuối cùng của bài thi của thí sinh. Bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông là thí sinh có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ hoặc ĐH. Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy.
Bổ sung một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013. Cụ thể, tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; học sinh đoạt giải Hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp THPT; học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 6 tháng. Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm và phải học dự bị 6 tháng.
10 trường được thí điểm tuyển sinh riêng
Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 được giữ ổn định, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật… Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu ĐH-CĐ chính quy. Chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.
Tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc TCCN trong các trường ĐH theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt hoạt động này trước năm 2017.
Đây là năm đầu tiên bộ phê duyệt Đề án tuyển sinh riêng thí điểm cho 10 trường thuộc khối văn hóa – nghệ thuật. Cụ thể, các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối văn hóa (khối C) không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển dự vào kết quả thi theo đề thi chung của bộ. Các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối nghệ thuật (khối H, N, S), chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu; xét tuyển môn ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT.
Kết thúc xét tuyển sớm hơn một tháng

 

Kiểm tra giấy tờ thí sinh thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM trước khi vào phòng thi.

 

Năm nay, các trường tiếp tục được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. Việc xét tuyển chia thành nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài ít nhất 20 ngày. Đặc biệt, thời hạn kết thúc xét tuyển sẽ sớm hơn năm 2012 một tháng, tức vào 30-10-2013.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường trong xét tuyển, kéo dài hạn xét tuyển đến hết 30-11 năm ngoái đã phát sinh nhiều bất cập. Một số trường còn lúng túng, bị động; có trường nhận hồ sơ xét tuyển trong thời gian quá ngắn gây khó cho thí sinh, nhất là những em vùng sâu, xa. Đồng thời bộ cũng nhận thấy một số quy định về xét tuyển chưa thật hợp lý, cần thiết phải điều chỉnh nhằm tăng tính khả thi cho kỳ thi tuyển sinh năm 2013.
Nhiều trường cũng cho rằng, việc giao chỉ tiêu dựa trên tỷ lệ giảng viên/sinh viên là khó thực hiện. Ông Nguyễn Đức Minh – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – dẫn chứng, mức trả lương tối thiểu cho một thạc sĩ tại trường là 8 triệu đồng/tháng. Tương ứng mức này, phải đạt tỷ lệ 50 sinh viên/giảng viên mới đủ trả lương. Nếu đạt chuẩn 25 sinh viên/giảng viên thì mỗi tháng, trường chỉ đảm bảo được một nửa số lương cho người dạy, quá thấp. Ông Minh cho rằng, để đạt con số đẹp như trên, cần có lộ trình đến năm 2020, bởi việc này còn liên quan đến khâu tuyển dụng đội ngũ.
Ông Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng – cũng đồng tình từ 2013 đến 2020 nên giảm từng bậc, các trường không thể ngày một ngày hai đảm bảo ngay được chỉ tiêu trên.
Năm 2012, đã có tình trạng một số trường không còn đủ năng lực tuyển sinh nhưng vẫn đề xuất chỉ tiêu tuyển mới. Tại nhiều trường, việc tính toán các điều kiện đảm bảo chất lượng (giảng viên cơ hữu quy đổi và diện tích sàn xây dựng) để xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đúng, vượt quá năng lực.
Trong khi đó, nhiều trường lại không tuyển hết chỉ tiêu. Theo Bộ GD-ĐT, các đơn vị này chưa khẳng định được vị trí, thương hiệu; chưa đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng; ngành đào tạo đơn lẻ, chủ yếu tập trung vào nhóm ngành kinh tế, bỏ lơ các khối ngành kỹ thuật, công nghệ. Đồng thời, tình hình kinh tế đất nước khó khăn, doanh nghiệp giải thể cũng tác động lớn đến tâm lý và xu hướng chọn ngành của thí sinh. Một số trường công lập tuyển quá nhiều chỉ tiêu gây cạn nguồn tuyển…
Bài, ảnh: Mê Tâm
GS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng, cho biết: “Lo lắng nhất của chúng tôi là thí sinh không đến được với các trường ngoài công lập. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định điểm sàn của chúng ta xác định chưa thật chính xác. Tuy nhận định này của bộ có muộn nhưng tôi thấy hài lòng. Theo lý giải của bộ, thí sinh không đến học do chất lượng các trường chưa có. Nhưng tôi thấy số chỉ tiêu vào trường và con số thực không có. Hay nói cách khác là chúng ta tính toán không chính xác. Thứ hai bộ điểm chuẩn nguyện vọng (NV) sau bằng hoặc thấp hơn NV1. Có nhiều trường công lập lấy đến điểm sàn. Do đó không có trường ngoài công lập nào có thể cạnh tranh được với các trường công lập. Chính vì vậy, tôi đề nghị bộ nên quy định điểm chuẩn NV sau phải bằng hoặc cao hơn NV1.
Một điểm nữa, bộ cho phép mang thiết bị vào trong phòng thi. Nhưng tôi thấy, việc này không thể hiện được bất cứ điều gì. Bao nhiêu thí sinh làm được việc này? Bởi cũng phải có kinh phí mới có thể mua được thiết bị. Hơn nữa còn vấn đề an ninh, trật tự trong phòng thi. Đem thiết bị vào không kiểm soát được thì càng khiến xã hội nghi ngờ”.
Nghiêm Huê (ghi)

 

Bình luận về bài viết này