Ngày hội tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh 2013 “Cùng bạn quyết định tương lai”: Chọn đúng nghề, thỏa chí đam mê!

Hàng ngàn học sinh (HS) khu vực TP.HCM đã hân hoan đến với Ngày hội tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh 2013 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức ngày 19-1 để được “nạp” thêm nhiều thông tin nóng hổi về tuyển sinh, cơ hội nghề nghiệp qua đó giúp các em “hiểu đúng mình, chọn đúng nghề, làm đúng đam mê”!
Với 73 gian hàng tư vấn, ngày hội năm nay thu hút 60 trường ĐH, CĐ, TCCN, trường nghề và nhiều công ty tư vấn du học tham gia.
Dè dặt với ngành “hot”
Em Trần Huy Quyền (lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến) hỏi rằng, những ngành nghề nào sẽ được đào tạo sau khi Trường ĐH Văn Hiến được cấp phép tuyển sinh trở lại. Ông Nguyễn Quốc Hợp (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến) giải đáp, hiện chưa có chỉ tiêu chính thức, nhưng dự kiến năm nay trường sẽ tuyển trở lại tất cả những ngành nghề truyền thống của trường như điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, du lịch, kế toán, thương mại, ngữ văn, ngoại ngữ…
Khác với mọi năm, sự quan tâm của thí sinh đối với nhóm ngành kinh tế khá dè dặt. Phần đông các em “nặng tâm lý” sẽ thất nghiệp khi ra trường do thị trường lao động bão hòa. Em Lâm Thị Thu Huyền (lớp 11A9 Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11) đặt vấn đề, em yêu thích ngành kế toán nhưng nghe nói ngành này muốn xin việc phải dựa vào “sự quen biết”. Trong điều kiện em không quen biết, có nên theo học ngành này không? ThS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng, vấn đề kiếm việc làm thông qua các mối quan hệ quen biết cũng có nhưng không phải trong tất cả các trường hợp. TP.HCM là một thị trường lao động rộng lớn, dồi dào cơ hội việc làm. Người học tốt, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng… hoàn toàn có khả năng kiếm được chỗ làm ưng ý. Đừng vì không quen biết mà bỏ qua niềm đam mê của bản thân.
Nhiều thành viên Ban tư vấn cũng khích lệ HS theo đuổi nhóm ngành kinh tế, nếu đó thực sự là đam mê của các em. Trong điều kiện xã hội luôn diễn ra khủng hoảng thừa – thiếu nhân lực, điều quan trọng thứ hai sau đam mê của các em chính là năng lực. Bởi nếu các em được đào tạo bài bản, khẳng định được năng lực thì sẽ không bị “rớt lề” thị trường lao động.
ThS. Dương Tôn Thái Dương (Phó trưởng phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM) cũng nhấn mạnh, nhóm ngành kinh tế không còn thực sự “hot” như các năm trước, tuy nhiên nếu các em quyết tâm theo đuổi thì cần hiểu rằng, sự suy thoái kinh tế trong giai đoạn nào đó cũng chính là bước đà cho một giai đoạn kinh tế mới. Khoảng vài năm tới, khi kinh tế hồi phục, phát triển ắt hẳn sẽ lại “khát” nhân lực.
Cùng sĩ tử quyết định tương lai

Từ phải sang trái: Ông Lưu Đức Tiến (Phó trưởng phòng GDCN và ĐH Sở GD-ĐT TP.HCM), ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM) và ông Hà Huy Phúc (Phó giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cùng học sinh trao đổi thông tin về ngành nghề các trường

Lâm Thị Thu Huyền cho biết, mặc dù mới chỉ học lớp 11 nhưng vì quan tâm đến việc lựa chọn ngành nghề nên em có mặt sớm để tham gia ngày hội. Đến đây, em được chương trình cung cấp những thông tin thiết thực, giải tỏa nhiều thắc mắc để có nền tảng lựa chọn đúng ngành nghề trong năm tới này.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Phạm Ngọc Thanh cũng hoan nghênh Báo Giáo Dục TP.HCM trong suốt nhiều năm nay đã tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, tuyển sinh giúp HS trang bị kiến thức, định hướng nghề nghiệp và gặp gỡ trực tiếp các đơn vị đào tạo từ TCCN đến ĐH phục vụ việc tìm hiểu, chọn lựa ngành nghề. Ông Thanh mong rằng ngày hội sẽ ngày càng lan tỏa, giải đáp được nhiều băn khoăn, thắc mắc của nhiều HS hơn trước ngưỡng cửa ĐH.
“Thực tế cho thấy không ít HS dù có năng lực học tập nhưng vẫn rớt ĐH vì chọn trường quá cao, vượt năng lực bản thân. Đồng thời, không ít sinh viên đến năm 2, năm 3 mới nhận ra ngành học không phù hợp. Nhiều em đã mạnh dạn chọn một khởi đầu khác, nhưng cũng có em phải sống chung với ngành nghề mình không yêu đến suốt đời. Việc trang bị đầy đủ thông tin ngành nghề trước khi lựa chọn là hết sức quan trọng giúp HS không mắc phải “sai lầm”. Ngày hội tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh 2013 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức sẽ góp phần vào công tác hướng nghiệp tại TP.HCM nói riêng và chung cho cả nước. Nhiều phụ huynh, HS khi tham gia chương trình đã tìm thấy được thông tin bổ ích, chính xác về ngành nghề, thị trường lao động, những điểm mới của kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay và được tư vấn chọn ngành phù hợp” – ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM) khẳng định.
Ông Hà Huy Phúc (Phó giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cũng đánh giá cao những hiệu quả của chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của Báo Giáo Dục TP.HCM thực hiện trong những năm qua. “Đây là một trong những chương trình rất có ý nghĩa, thể hiện trên nhiều mặt về cách thức tổ chức lẫn chất lượng, nội dung tư vấn. Các năm qua, những nỗ lực tuyên truyền trên Giáo Dục TP.HCM đã giúp các thí sinh, phụ huynh có thêm cơ sở vững chắc để lựa chọn được ngành nghề, khối thi phù hợp với năng lực cá nhân, sự yêu thích của bản thân và nhu cầu xã hội. Chính các hoạt động tư vấn kịp thời đã góp phần tạo tâm lý yên tâm với thí sinh, phụ huynh và ổn định tâm lý thi cử chung của toàn xã hội” – ông Phúc nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Mê Tâm

Thông tin tuyển sinh 2013: Xác định rõ sở thích và năng lực

Tại buổi tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” ở Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú) do BáoGiáo Dục TP.HCM tổ chức (ngày 10-1), một trong những vấn đề mà các em quan tâm vẫn là sở thích, ngành “hot”…
 “Lạc đà phải sống ở sa mạc”
Ngoài sự hiện diện của học sinh, các phụ huynh cũng có mặt và đặt một số câu hỏi về việc lựa chọn ngành nghề của con em họ. Trong đó, vấn đề chủ yếu là sở thích của học sinh mâu thuẫn với mong muốn của bố mẹ. Bắt đầu buổi tư vấn, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã kể cho các em nghe một câu chuyện về mẹ con lạc đà hết sức thú vị: Một hôm, chú lạc đà conhỏi mẹ “Tại sao mình lại có bướu?”, lạc đà mẹ trả lời “Mình là động vật sống ở sa mạc, mình cần có bướu để dự trữ nước, mình sẽ không thể sống ở sa mạc nếu thiếu nước”. Lạc đà con lại tiếp tục thắc mắc: “Nhưng tại sao chân con lại dài vậy mẹ?”, lạc đà mẹ trả lời “Chân con dài là để đi bộ trên sa mạc tốt hơn bất cứ loại nào khác”.Lạc đà con hỏi tiếp “Nhưng mà tại sao lông mi của con lại dài và dày đến như vậy, lúc con gặm cỏ bị ngứa lắm mẹ à?”, lạc đà mẹ trả lời: “Lông mi dài và dày là bảo vệ mắt con trước gió và cát của sa mạc…”. “Con hỏi mẹ câu cuối cùng này nữa thôi, mẹ ơi mình đang làm cái gì trong sở thú nữa vậy mẹ?”.
Câu chuyện ngắn gọn vậy thôi nhưng đã nhận được tràng pháo tay lớn của học sinh vì ý nghĩa đằng sau câu chuyện này. ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nhấn mạnh: “Con lạc đà có nhiều tiềm năng khác nhau, sẽ “tỏa sáng” nếu nó ở đúng môi trường, đó là sa mạc. Còn nếu như nó không ở đúng với môi trường thì sẽ giống như bị giam ở sở thú. Lạc đà phải sống ở sa mạc, cá phải sống dưới nước, chim phải bay trên trời… Đối với các em khi chọn nghề cũng vậy, phải biết mình là ai, mảnh đất nào phù hợp với mình thì mới chọn được nghề. Vấn đề ở đây không phải là chúng ta nghe theo lời ba mẹ hay làm theo sự lựa chọn của mình mà vấn đề quan trọng là ngành nào, bằng cấp nào phù hợp với mình?”.
Bàn về vấn đề sở thích, em Lê Hoàng Oanh, học sinh lớp 12A12, thắc mắc: “Em thích làm bác sĩ nhưng không có khả năng đậu ngành này, vậy em phải làm thế nào?”. ThS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Năm nào cũng có sinh viên than thở với tôi vì chọn nhầm nghề, các em chọn nhầm nghề bởi không hiểu được sở thích của mình hoặc ảo tưởng về nghề nghiệp. Để trở thành một người làm việc ở ngành y, các em phải xem tính cách của mình có phù hợp hay không hay chỉ mới năm nhất thôi các em đã chán vì mình không phù hợp với ngành đã chọn. Thời điểm này các em cần cân nhắc kỹ, đừng nhầm lẫn khi chọn ngành nghề, đừng thích ngành theo xu hướng lựa chọn của bạn bè mà phải xác định rõ sở thích, năng lực của mình thực sự có phù hợp với ngành đó không?”.
Nhiều em học sinh xác định mình có quá nhiều sở thích nên phân vân vì không biết chọn theo hướng sở thích nào. Một HS cho biết: Em thích ngoại ngữ, thích kinh doanh và còn thích cả ẩm thực. Em là nam, vậy em nên thi vào trường nào để có thể phù hợp với những sở thích này?”. Giải đáp câu hỏi này, ông Nguyễn Chí Thu, Trưởng ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho hay: Với nhiều sở thích như trên, em có thể chọn khối ngành dịch vụ để học, trong đó có ngành quản trị khách sạn – nhà hàng rất phù hợp với những sở thích này. Hiện nay, ngành dịch vụ có nhu cầu nhân lực khá cao, khoảng 80% sinh viên học ngành quản trị khách sạn – nhà hàng tốt nghiệp có việc làm ổn định”.
“Đóng cửa” ngành “hot”

 

TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – đang giải đáp các câu hỏi của học sinh sau buổi tư vấn chung

 

Tại buổi tư vấn, Ban tổ chức nhận được hơn 20 câu hỏi về việc thực hư “đóng cửa” một số ngành “hot” trong khối ngành kinh tế.
Em Phan Thị Bích Ngọc thắc mắc: “Em nghe nói năm nay Bộ GD-ĐT có chủ trương “đóng cửa” một số ngành kinh tế như quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng… ở một số trường. Vậy điều này có thật hay không?”.
TS. Lê Anh Duy, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Năm nay, Bộ GD-ĐT có chủ trương giảm chỉ tiêu ở khối ngành kinh tế. Chẳng hạn ở Trường ĐH Sài Gòn, năm 2012 tuyển sinh ngành tài chính – ngân hàng khoảng 300 đến 350 chỉ tiêu, nhưng năm nay dự kiến khoảng 200 chỉ tiêu. Một trong những nguyên nhân khiến các trường phải giảm chỉ tiêu là do những năm trước chúng ta đào tạo quá nhiều sinh viên ngành này, hơn nữa kinh tế đang khó khăn nên nhiều ngân hàng, công ty cắt giảm nhân lực”.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết thêm: “Bộ GD-ĐT đã có công văn không mở khối ngành kinh tế, đặc biệt là ngành tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh ở một số trường không chuyên về đào tạo ngành này. Ví dụ, Học viện Hàng không không được phép tuyển quản trị kinh doanh. Năm nay, Bộ GD-ĐT có chủ trương không tăng chỉ tiêu ngành kinh tế, trong đó có ngành tài chính – ngân hàng. Các trường đào tạo ngành này sẽ chủ động cắt giảm chỉ tiêu chứ không phải tự động đóng cửa hoàn toàn nên các em hãy yên tâm”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Năm nay, Bộ GD-ĐT có chủ trương không tăng chỉ tiêu ngành kinh tế, trong đó có ngành tài chính – ngân hàng. Các trường đào tạo ngành này sẽ chủ động cắt giảm chỉ tiêu chứ không phải tự động đóng cửa hoàn toàn nên các em hãy yên tâm”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, nhắn nhủ.

Tuyển sinh 2013: Chạy nước rút với liên thông

Nhiều thí sinh (TS) đang chạy nước rút ôn luyện cho đợt thi liên thông cuối cùng vào tháng 1 này trước khi quy chế mới về liên thông do Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực.

Ngày 7-2, khi bộ chính thức áp dụng quy chế mới về liên thông, nhiều TS lo sợ rằng “suất” vào ĐH của họ ngày càng mỏng manh…

Cơ hội chót!
Căng thẳng, áp lực là tâm lý của hầu hết TS có ý định dự thi liên thông hiện nay. Nhất là khi các em ý thức được rằng, bằng mọi giá mình phải đậu ĐH nếu không muốn dài cổ chờ đợi đến 3 năm nữa mới được dự thi theo quy định mới. Còn thi sớm hơn, phải “đụng” đến kiến thức văn hóa lại là điều khiến các em càng e ngại.
Nguyễn Bích Ngọc (vừa tốt nghiệp ngành kế toán Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) cho biết, em dự định đến năm tới sẽ thi liên thông vào ĐH Sài Gòn. Thế nhưng, sau khi biết có quy định mới, Ngọc liền tức tốc đăng ký ngay đợt thi liên thông vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ diễn ra ngày 27-1 tới. Ngọc giải thích: “Thực ra, khi bắt đầu chọn học CĐ, không chỉ em mà nhiều bạn cùng “ôm mộng” sẽ học lên cao hơn. Cầm bằng CĐ đi xin việc, nhiều nơi không nhận. Hầu như chỉ có những công ty tư nhân mới chấp nhận bằng CĐ. Trong khi đó, phải ôn lại các môn văn hóa để dự thi liên thông, em không thể nào nhớ nổi. Chờ đến 3 năm nữa mới thi thì quá… mỏi mòn. Chưa nói, nếu đậu và bỏ thêm thời gian học, khi tốt nghiệp tuổi của em cũng đã khá lớn”.
Nguyễn Thị Quỳnh Mai vừa tốt nghiệp ngành kinh doanh xuất nhập khẩu Trường CĐ Kinh tế đối ngoại. Mai cũng cho biết, em không có ý định liên thông nhưng sau một quá trình tìm việc khá vất vả, “gõ cửa” trên chục nơi mà không có tín hiệu, em quyết định sẽ học lên cao hơn nhằm cải thiện bằng cấp cho dễ xin việc. Em mới nộp hồ sơ đăng ký vào ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trước khi chốt hạn một ngày. “Thi năm nay thì còn có hy vọng, chứ để năm tới cơ hội không cao vì em hầu như đã quên các kiến thức văn hóa cũ”, Mai bộc bạch.
Áp lực không chỉ dành riêng cho TS, vì chưa tuyển đủ chỉ tiêu (CT), hiện nhiều trường ĐH cũng mở đợt thi liên thông cuối vào tháng 1 và đặt nhiều “kỳ vọng”. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông báo nhận hồ sơ đến 22-1 cho đợt tuyển sinh liên thông cuối năm trình độ TCCN và CĐ lên ĐH. Có lẽ vì trong thời điểm chạy nước rút nên thời gian ôn thi cũng ngay trong 22-1. Thời gian thi tuyển vào 31-1 và 1-2-2013. Có 9 ngành liên thông từ trình độ TCCN và 11 ngành hệ CĐ lên ĐH. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng thông báo nhận hồ sơ đến hết ngày 10-1 và tổ chức thi vào 20-1.
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm) cho biết, hiện trường đã nhận được trên 500 hồ sơ đăng ký. Toàn CT liên thông năm nay tại trường là 1.400, đợt trước đã tuyển được trên 800 em. Đợt này trường sẽ tuyển bổ sung khoảng 600 CT nữa.
Bằng lòng với bằng cấp?
Thực tế, quy chế liên thông mới cũng nhận được sự đồng thuận từ phía các trường ĐH, CĐ lẫn TCCN vì ở nhiều góc độ, nó sẽ góp phần cải thiện chất lượng. ThS. Phạm Thái Sơn nêu quan điểm, ban đầu có thể do chưa quen, người học sẽ có tâm lý bỏ thi liên thông mà quay lại ôn thi thẳng vào ĐH chính quy. Nhưng về lâu dài, nó sẽ giúp hình thành “nếp” suy nghĩ và ý thức trong người học. Dần dần, họ sẽ có tâm lý “bằng lòng” với trình độ và bằng cấp đạt được.
Ông Trương Văn Hùng (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) bày tỏ, quy định mới sẽ siết lại hệ đào tạo liên thông, chỉ khó cho TS ở chỗ các em không còn nhớ kiến thức văn hóa để “chọi” với những em khác khi thi ĐH. “Nhiều người quan niệm không cần siết đầu vào nhưng trong tình trạng đào tạo liên thông bát nháo ở nước ta hiện nay thì không chỉ phải siết đầu vào mà trong suốt quá trình đào tạo còn cần có đánh giá chất lượng”, ông Hùng nhận định.
Đại diện một trường TC nghề cũng nhấn mạnh, đã đến lúc người học cần biết chấp nhận trình độ, bằng cấp mà mình theo đuổi. Học TC, CĐ ra thì làm việc đúng với trình độ đạt được, không nhất thiết phải liên thông ĐH bằng mọi giá.
Thực tế, để được như thế thì vấn đề giải quyết việc làm cho người học ở những trình độ TC, CĐ, hệ đào tạo nghề cần được đặc biệt chú trọng. Bởi trong điều kiện xã hội còn quá trọng bằng cấp như nước ta, nếu chỉ nói suông rằng cứ yên tâm “học gì làm nấy” thì cái khó nhất vẫn thuộc về người học. Vì dù sao khi đi xin việc, tấm bằng ĐH vẫn nhận được nhiều sự ưu tiên hơn và các hệ đào tạo thấp hơn vẫn chịu cảnh… lép vế.
Bài, ảnh: Mê Tâm
20% CT liên thông chính quy là hơi “gắt”
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm) nhận định: “Quy chế mới chỉ cho phép mỗi trường dành 20% CT liên thông chính quy, điều này là hơi “gắt”. Về tâm lý, những em tốt nghiệp CĐ có trình độ khá giỏi đều có mong muốn liên thông ở bậc chính quy nhiều hơn. Trong khi đã có rất nhiều ràng buộc khác nhằm siết đầu vào và chất lượng, nên chăng để các trường tự chủ động xác định CT hệ chính quy hay vừa làm vừa học dựa trên năng lực đào tạo của chính đơn vị. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm tổ chức 12 ngành cho liên thông chính quy. Với tổng CT ĐH chính quy toàn trường năm nay là 2.600, thì lượng CT liên thông chính quy chỉ còn khoảng 500. Số CT này chia đều cho 12 ngành thì mỗi ngành chỉ có khoảng vài chục em, gây khó cho công tác tuyển sinh, bố trí lớp đào tạo. Chưa nói, năm nay trường dự kiến bổ sung thêm 5 ngành mới, chủ yếu là các ngành kỹ thuật, số lượng người học sẽ càng bị “xé lẻ” hơn. Việc giới hạn CT như vậy gây khó cho các trường có lượng ngành nghề nhiều. Nếu không tuyển đủ mà chỉ giới hạn tuyển ngành này bỏ ngành kia thì lại không công bằng và mất cơ hội cho người học”.

 

 

http://giaoduchaiphong.edu.vn/vi/news/Tin-Giao-duc-trong-nuoc/Tuyen-sinh-2013-Chay-nuoc-rut-voi-lien-thong-201/

ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội được hưởng cơ chế tài chính đặc thù

(GD&TĐ)-Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa ký Quyết định về việc quy định cơ chế tài chính đặc thù của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Theo đó, USTH là đơn vị sự nghiệp công lập, được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng nguồn tài chính, cụ thể như được quyền tự xây dựng và quy định mức thu học phí; mức thu lệ phí thi và tuyển sinh…

Nguồn tài chính của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội gồm kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; các nguồn thu sự nghiệp; vốn tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; nguồn tài chính khác.

Trong đó, Ngân sách nhà nước đảm bảo hỗ trợ 60% kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm 2012; không quá 50% trong giai đoạn 2013 – 2015 và không quá 40% trong giai đoạn 2016 – 2020. Mức kinh phí hoạt động thường xuyên ngân sách nhà nước hỗ trợ được tính toán căn cứ theo mức thu học phí, chi phí đào tạo và tổng quy mô Nhà nước đặt hàng đào tạo một năm.

Đối với đào tạo theo nhu cầu xã hội hoặc theo đơn đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp thì Trường tự đảm bảo chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí theo nguyên tắc thu học phí đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên và tiến tới có tích lũy.

Bên cạnh kinh phí hoạt động thường xuyên, Ngân sách Nhà nước cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn đối ứng của các dự án, kinh phí mua sắm trang thiết bị và sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí trong phạm vi dự toán được giao hàng năm.

Các nguồn thu sự nghiệp của trường gồm: Nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nhiệm vụ, đề tài khoa học – công nghệ do Nhà nước đặt hàng; thu từ phí và lệ phí theo quy định; thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu từ sự nghiệp khác (nếu có)…

Khoản hỗ trợ, tài trợ của đối tác Pháp được coi là nguồn thu của Trường và phải được hạch toán vào tài khoản của Trường.

Về quyền tự chủ tài chính, USTH là đơn vị sự nghiệp công lập, được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng nguồn tài chính. Cụ thể, Trường được quyền tự xây dựng và quy định mức thu học phí; mức thu lệ phí thi và tuyển sinh.

Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xây dựng mức thu phí, lệ phí, trình Hội đồng Trường thông qua và báo cáo Bộ GD&ĐT phê duyệt trước khi thực hiện. Trường có trách nhiệm công khai mức thu học phí và lệ phí thi, tuyển sinh theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Về nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ do nhà nước đặt hang,  Trường được tự quyết định việc sử dụng kinh phí được giao để thực hiện các nhiệm vụ trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

Về nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên, trường được tự quyết định các nội dung và mức chi (bao gồm cả chi trả học bổng khuyến khích học tập đối với người học, chi trả tiền lương, tiền công đối với cán bộ quản lý, giảng viên của Trường) trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính của Trường đảm bảo đúng chế độ, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Hằng năm, sau khi trang trải tất cả các khoản chi phí hợp lý, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định của pháp luật, trong phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có), Trường phải trích lập quỹ phát triển sự nghiệp công lập tối thiểu 25%.

Sau khi đã trừ tất cả các khoản chi và trích lập quỹ phát triển sự nghiệp công lập theo quy định, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được tự quyết định việc sử dụng kinh phí còn lại để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức và người lao động tùy thuộc vào nội dung, kết quả công việc và chính sách đãi ngộ theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.

Về cơ chế tài chính thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, thực hiện theo chế độ khoán kinh phí theo quy định hiện hành.

Lập Phương

Xu hướng ngành nghề được tuyển nhiều trong năm 2013

Trong năm 2013, chỉ tiêu cung ứng LĐ đạt trình độ ĐH trở lên chiếm 12,81%; CĐ – trung cấp nghề chiếm 32,73%; sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề (11,11%); còn lại rơi vào các đối tượng LĐ chưa qua đào tạo (chiếm 43,35%).

12 nhóm ngành nghề hút lao động năm 2013

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa công bố 12 nhóm ngành nghề “hấp dẫn” nhiều lao động (LĐ) năm 2013, chiếm hơn 91% tổng nhu cầu rao tuyển 270.000 LĐ (bao gồm 140.000 chỗ làm việc mới).

Số liệu đưa ra từ kết quả khảo sát nhu cầu tuyển dụng LĐ tại khoảng 6.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

 

chon nganh, tuyen dung, tuyen sinh, xu huong cho nganh, chon nganh thi dai hoc, thong tin tuyen sinh, tuoi tre

Các nhóm ngành thu hút lao động gồm marketing – kinh doanh – bán hàng; du lịch – nhà hàng – khách sạn – dịch vụ – phục vụ; CNTT – điện tử – viễn thông; quản lý – hành chính – giáo dục – đào tạo; dệt – may – da giày; tài chính – kế toán – kiểm toán – đầu tư – bất động sản – chứng khoán; tư vấn – bảo hiểm; cơ khí – luyện kim – công nghệ ôtô; hóa – y tế, chăm sóc sức khỏe; xây dựng – kiến trúc – giao thông vận tải; điện – điện công nghiệp – điện lạnh; kho bãi – vật tư – xuất nhập khẩu.

Riêng KCX-KCN TP.HCM sẽ tập trung rao tuyển các ngành cơ khí, điện tử, CNTT, hóa – dược – cao su, chế biến lương thực thực phẩm (khoảng 30.000 LĐ).

Trong năm 2013, chỉ tiêu cung ứng LĐ đạt trình độ ĐH trở lên chiếm 12,81%; CĐ – trung cấp nghề chiếm 32,73%; sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề (11,11%); còn lại rơi vào các đối tượng LĐ chưa qua đào tạo (chiếm 43,35%).

Nhìn chung, thị trường LĐ 2013 phát triển song song với xu hướng doanh nghiệp nâng cao chất lượng tuyển dụng LĐ, kết hợp khắc phục khó khăn chung của nền kinh tế. Do vậy sự chuyển dịch cơ cấu trình độ tay nghề, cung – cầu LĐ dự báo còn tồn tại nhiều nghịch lý và biến động, dẫn đến tình trạng nhiều LĐ thất nghiệp (hoặc mất việc làm) trong khi doanh nghiệp muốn có đội ngũ LĐ có tay nghề và LĐ phổ thông lại không tìm được.

Các ngành  được dự báo tăng cao

Ước tính ngay trong quý I-2013, xu hướng tuyển dụng rơi vào các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, nhựa bao bì, xây dựng, cơ khí, điện tử… tăng cao nhưng không nhiều so với các năm trước (vào cùng thời điểm), chiếm khoảng 43% nhu cầu lực lượng LĐ phổ thông trên tổng số 65.000 chỗ làm việc trống vào đầu năm.

Tuy nhiên bắt đầu từ quý 2, 3-2013 trở đi, thị trường LĐ được dự báo đi vào ổn định hơn. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng trung bình cho mỗi quý đạt khoảng 70.000 LĐ. Riêng quý 4-2013 dự ước có khoảng 30% nhu cầu việc làm bán thời gian, làm việc tại nhà (thông qua các trang mạng điện tử hoặc tự tạo việc làm theo quy mô nhỏ…) trên tổng nhu cầu 65.000 LĐ sẽ được tăng nhanh hơn so với năm 2012.

Thực tế từ các cuộc khảo sát cho thấy 50% học sinh – sinh viên đã qua đào tạo việc làm có thể tìm được việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% còn lại làm việc trái ngành, thu nhập thấp, việc chưa thật sự ổn định và thường xuyên chuyển đổi công việc.

Mặt khác, do tình trạng cơ cấu ngành nghề, trình độ nghề chuyên môn, nhân lực và chính sách thu hút LĐ phân bổ không đồng đều, mất cân đối giữa các khu vực kinh tế dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tại TP.HCM tăng cao (trung bình 5%/năm). Để khắc phục, các nhà quản lý, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác đồng bộ với cơ quan, tổ chức – xã hội lập kế hoạch dự phòng, đầu tư cho hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo và thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng LĐ tương thích theo thực tế xã hội.

Ngoài ra, việc chú trọng hoàn thiện các hệ thống dự báo nhân lực, thông tin thị trường LĐ, đầu tư phát triển quan hệ doanh nghiệp, định hướng tư vấn – giới thiệu việc làm tại các trường, cơ sở đào tạo… thông qua các quỹ tín dụng việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề cũng là điều thiết yếu. Cách làm này hỗ trợ tích cực cho LĐ mất việc gặp hoàn cảnh khó khăn có thể tự tạo việc làm, trang trải cuộc sống!.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013

(HNM) – Ngày 27-12, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế (QC) thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT để lấy ý kiến trước khi ban hành và áp dụng từ kỳ thi năm 2013. 


Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường nhiều biện pháp chống tiêu cực, trong đó quy định rõ nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm QC thi là Ban chỉ đạo (BCĐ) thi tốt nghiệp THPT trung ương, BCĐ thi cấp tỉnh/TP hoặc thanh tra giáo dục các cấp; bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin; công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm QC thi…
Hồng Hạnh

Tuyển sinh 2013: Điều chỉnh cỗ máy đào tạo lệch cung

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 đang đến gần và thật khó đoán có bao nhiêu học sinh tốt nghiệp phổ thông chọn học những ngành “nóng” như kinh tế, tài chính, ngân hàng. Nhưng có một lời khuyên của các chuyên gia là các bạn trẻ hãy cân nhắc kỹ giữa đam mê, sở thích ngành nghề và nhu cầu sử dụng của xã hội…

 

Giã từ thời “hoàng kim”

 

Thời điểm cuối năm điểm qua các trung tâm giới thiệu việc làm, các trang tuyển dụng qua mạng internet dễ thấy hồ sơ, ứng viên là cử nhân, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng các ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh… cần tìm việc nhiều vô kể. Nhiều cử nhân ngành tài chính ngân hàng mới ra trường cũng “méo mặt” với hành trình tìm việc có thu nhập trung bình trong thời buổi hệ thống tín dụng-ngân hàng đối mặt  nợ xấu và đồng loạt tái cơ cấu, sáp nhập, thu hẹp hoạt động…

 

Cơn lốc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp, công ty phải co hẹp sản xuất hoặc phá sản, cắt giảm, sa thải hàng chục ngàn lao động. Con số trên 1 triệu lao động trong năm 2012 bị thất nghiệp, thiếu việc làm đã minh chứng thực trạng tìm việc đầy cam go, thử thách đối với người lao động từ trình độ cao đến không có tay nghề.

 

Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan này, nhìn từ góc độ khác, các chuyên gia về đào tạo nhân sự cho rằng sự dư thừa nhân lực của các ngành nghề vốn một thời được coi là “nóng” như kinh tế, tài chính, ngân hàng cũng là hệ quả tất yếu của một thời đua nhau đào tạo những ngành này.

 

Vài năm về trước, sức hấp dẫn từ thu nhập cao ngất ngưởng, thưởng “khủng” của các ngành tài chính, chứng khoán, ngân hàng… đã tạo cơn sốt – tâm lý số đông người học chọn các ngành kinh tế – tài chính, quản trị kinh doanh, kế toán… vì dễ xin việc làm, thu nhập cao. Từ hệ lụy cho phép đào tạo quá dễ dãi nên nhiều trường đại học, cao đẳng không chuyên, hệ dân lập, cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài ồ ạt mở những ngành đào tạo nói trên dẫn đến thực trạng “bội thực” nguồn cung.

 

Sự thật này thức tỉnh ngành giáo dục đào tạo nước nhà và mới đây tại cuộc họp bàn về quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra thông điệp: Từ năm 2013 sẽ tạm ngừng mở các ngành đào tạo thừa đầu ra như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán và không cho phép mở thêm các trường đại học đào tạo những ngành này. Động thái tích cực – điều chỉnh cỗ máy đào tạo nhiều năm qua chạy lệch pha – “sản xuất vội, cho ra lò nhiều sản phẩm” mà thị trường lao động đang dư thừa, được dư luận xã hội đồng tình lẫn một chút băn khoăn.

 

Rà soát và kiểm định chất lượng

 

TS Nguyễn Quốc Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển nguồn nhân lực Trường ĐH Kinh tế TPHCM khẳng định, vai trò điều tiết của cơ quan quản lý là cần thiết để đào tạo ngành nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp đều phải tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nguồn cung vượt cầu là tất yếu. Vì thế, Bộ GD-ĐT nên xác định thời gian hạn chế việc mở ngành hoặc không cho phép đối với các trường đại học không chuyên, thiếu năng lực đào tạo những ngành liên quan đến kinh tế (quản trị kinh doanh, kế toán..), tài chính, ngân hàng. Nhiều ý kiến của các trường đại học cho rằng Bộ GD-ĐT cần rà soát lại thực tế đào tạo cũng như kiểm định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để có quyết định chuẩn xác trong việc không cho phép cơ sở giáo dục nào tiếp tục đào tạo.

 

Với cách nhìn thận trọng, GS.TS Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM nhận định nguồn nhân lực kinh tế – tài chính ở thời kỳ nào cũng rất cần vì nó thâm nhập, len lỏi trong mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân. Vì thế, cần có tầm nhìn xa trong đào tạo, chuẩn hóa chất lượng để chuẩn bị nguồn nhân lực quan trọng này cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững chứ không nên nhìn ở giai đoạn  trước mắt khi thị trường lao động đang bão hòa vì khủng hoảng kinh tế. Cũng theo GS, nếu sinh viên các ngành kinh tế – tài chính thực học, có kiến thức chuẩn, có kỹ năng mềm, năng động thích ứng với mọi công việc thì có thể tự thân lập nghiệp chứ không chỉ chờ  nơi tuyển dụng mình.

 

Điều đáng lo ngại ở đây chính là sự lãng phí của xã hội lẫn người học khi đầu tư vào những ngành nghề đã dư thừa mà không lường hết hậu quả. Sau hồi chuông cảnh tỉnh về đào tạo ngành nghề chưa gắn với nhu cầu sử dụng cũng như sự lệch pha-thiếu hụt những ngành nghề xã hội cần, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH phải làm gì để đưa ra dự báo đúng về nhu cầu cần đào tạo, sử dụng của thị trường lao động VN trong những năm tới?

 

KHÁNH BÌNH

Nguồn: sggp.org.vn

Ngành quản trị kinh doanh học gì? làm gì?

Với khoảng 100 cơ sở đào tạo trình độ đại học tuyển sinh ở hai khối thi tuyển phổ biến là khối A, D1, quản trị kinh doanh là nhóm ngành được rất đông thí sinh chọn lựa.

Ngành quản trị kinh doanh được tuyển sinh, đào tạo theo diện rộng, với tên gọi chung là quản trị kinh doanh hoặc chuyên sâu như kinh tế bưu chính viễn thông, quản trị kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch, quản trị doanh nghiệp thương mại, quản trị chất lượng, quản trị kinh doanh bảo hiểm, quản trị kinh doanh bưu chính viễn thông, quản trị du lịch nhà hàng khách sạn… nhằm đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh có khả năng hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, biết tổ chức hoạt động kinh doanh, có kỹ năng chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp và tạo lập doanh nghiệp mới.

Nhiều chuyên ngành

Chuyên ngành quản trị chất lượng chuyên về lập kế hoạch, chương trình quản lý chất lượng và chỉ đạo thực hiện tại các công ty, xây dựng một chính sách hợp lý về chất lượng.

Chuyên ngành thương mại chuyên về lĩnh vực kinh doanh thương mại trong nước và quốc tế.
Chuyên ngành kinh doanh quốc tế chuyên về kỹ năng kinh doanh trong môi trường quốc tế, có cái nhìn toàn cầu, có khả năng đàm phán, phân tích, tìm ra những điểm khác biệt và tương đồng giữa các thị trường.

Chuyên ngành ngoại thương đào tạo nền tảng về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh quốc tế và chính sách ngoại thương. Chuyên ngành marketing đào tạo cử nhân kinh tế có tham gia tổ chức các cuộc điều tra, nghiên cứu, từ đó vạch ra các chiến lược marketing cho các doanh nghiệp…

65% môn học giống nhau
Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để thành công trong lĩnh vực kinh tế nói chung hoặc quản trị kinh doanh nói riêng là: nắm vững kiến thức tự nhiên, xã hội, kiến thức kinh doanh; thành thạo ngoại ngữ và tin học; có khát vọng làm giàu chính đáng, đạo đức kinh doanh; tư duy sáng tạo; có năng lực tổ chức và quản lý, tự tin, biết cách khắc phục rủi ro.

Các bạn thí sinh không nên quá lo lắng về chương trình đào tạo và bằng cấp. Hiện nay với quy định về chương trình khung, cùng một ngành học các trường sẽ có khoảng 65% số môn học là giống nhau (50% giống nhau là do chương trình khung quy định). Phần kiến thức chuyên ngành sẽ do các trường quy định tùy thế mạnh, định hướng phát triển của từng đơn vị. Vì vậy, chọn trường nào để dự thi liên quan đến các yếu tố tiện ích, hoạt động bổ trợ nhiều hơn. Ngoài địa điểm học tập, học phí, ký túc xá, cơ hội thực tập ở các doanh nghiệp, các bạn cần cân nhắc chuẩn đầu ra của từng trường để chọn một trường vừa với sức mình, sức ở đây bao gồm sức học và thực lực của bản thân và gia đình.

Nhiều vị trí tuyển dụng

Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành này có thể được tuyển dụng vào một số vị trí như: nhân viên kế hoạch đầu tư, nhân viên bộ phận nhân sự, nhân viên bán hàng, nhân viên tổ chức hành chính, nhân viên bộ phận kế hoạch bán hàng, nhân viên phát triển hệ thống, nhân viên kinh doanh, nhân viên xuất nhập khẩu… Các vị trí có chức danh trưởng, phó phòng hoặc cao hơn thường yêu cầu kinh nghiệm công tác.
Tại những trường khác nhau, ngành này được đào tạo với các chuyên ngành khác nhau. Trong đó, chuyên ngành quản lý doanh nghiệp chuyên về kỹ năng quản lý, có kiến thức rộng về kinh tế và chuyên sâu về quản trị kinh doanh, năng động, sáng tạo, có khả năng tự lập nghiệp.

Theo tuoitre.vn

Nhiều đổi mới trong kỳ thi Đại học, Cao đẳng 2013

Chiều 9.1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo công bố về việc đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Theo đó, sẽ có nhiều quy định được xem xét, sửa đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay.

10 trường được thi tuyển sinh riêng
Tại cuộc họp báo, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Bộ đã chính thức phê duyệt đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa, nghệ thuật. Năm nay, Bộ cho phép 10 trường thuộc khối ngành này được thi tuyển sinh riêng. Đây là những trường được làm thí điểm đầu tiên khi thực hiện luật Giáo dục ĐH. Sau đề án này, Bộ sẽ tiếp tục xem xét để các trường có đủ điều kiện và đề án phù hợp với thực tiễn được tự chủ chịu trách nhiệm trong tuyển sinh.
Theo đề án, phương án tuyển sinh của các trường là: Đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối văn hóa (khối C) thì chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung. Đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối nghệ thuật (khối H, N, S): môn ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT; môn năng khiếu do hiệu trưởng các trường quyết định. Để tổ chức thi các môn năng khiếu, hiệu trưởng các trường lập đề án trình Bộ VH-TT-DL phê duyệt, báo cáo Bộ trước ngày 31.1.2013.
thong tin tuyen sinh 2013
Thí sinh dự thi vào khối trường văn hóa, nghệ thuật được thi riêng – Ảnh: Đăng Nguyên
Ông Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL) cho biết thêm: Lịch thi của các trường này sẽ được bố trí lệch với thời gian của kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Thời gian thi sẽ kéo dài hơn nhưng trong vòng tháng 7. Sở dĩ Bộ lựa chọn thời gian này để đảm bảo cho thí sinh tham gia thi các trường khác nhưng thời gian thi cũng không quá kéo dài. Ông Hùng thông tin thêm: Hiện mới chỉ có 10/18 trường thuộc Bộ VH-TT-DL được phép tự chủ tuyển sinh. Còn lại các trường khác trong đó có 2 Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh chưa được thi riêng là do các trường này chưa có đề án khả thi.
Một điểm đáng lưu ý của đề án là Bộ GD-ĐT đã cho phép các đối tượng được xét tuyển thẳng gồm: học sinh đã tốt nghiệp THPT, trung học chuyên nghiệp, đoạt giải xuất sắc hoặc giải nhất, nhì, ba tại các hội thi, hội diễn, liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương được tuyển thẳng vào ĐH hoặc CĐ theo đúng ngành mà thí sinh đã đoạt giải. Việc bảo lưu kết quả đối với thí sinh đoạt giải nhưng chưa tốt nghiệp THPT và thời gian được tính để hướng xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành.
Yêu cầu ghi âm, ghi hình các bài thi năng khiếu
Trả lời câu hỏi của PV về việc làm thế nào để không có tiêu cực trong tuyển sinh như luyện thi, chấm thi các môn năng khiếu, ông Hùng cho biết: Từ nhiều năm nay, Bộ VH-TT-DL đã rất sát sao trong việc kiểm tra, giám sát các trường để không có tình trạng tổ chức các lò luyện môn năng khiếu. Bộ chưa phát hiện các tổ chức cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi, ôn tập và các hình thức tiêu cực biến tướng khác. Ông Hùng nói: “Sau khi được tự chủ, trách nhiệm của Bộ chủ quản trong việc kiểm tra, giám sát sẽ phải cao hơn. Chúng tôi yêu cầu, nếu cán bộ của trường có liên quan đến luyện thi thì không được vào ban ra đề, chấm thi cũng như tham gia các công việc liên quan”.
Để việc chấm thi môn năng khiếu đảm bảo khách quan, ông Hùng cho hay: Từ nhiều năm nay, Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu các trường phải tổ chức quay video buổi thi môn năng khiếu. Đây là cơ sở để hội đồng chấm thi xem xét và quyết định điểm thi của thí sinh và để giải quyết các khiếu nại về bài thi. Cũng theo ông Hùng, việc ghi âm, ghi hình bài thi năng khiếu của thí sinh là rất quan trọng và cần phải làm để tránh các hiện tượng tiêu cực trong chấm thi.
Trao đổi với PV Thanh Niên về việc Bộ GD-ĐT có áp dụng quy định như vậy cho tất cả các trường có tổ chức thi môn năng khiếu hay không, ông Ngô Kim Khôi cho hay: Năm nay, Bộ sẽ xem xét để đưa quy định này vào quy chế tuyển sinh. Xung quanh việc quy định miễn thi môn ngữ văn đối với thí sinh thi các ngành khối nghệ thuật, ông Khôi cho rằng: Đối với một số ngành có yêu cầu cao về năng khiếu như hát, múa… thì Hội đồng tuyển sinh các trường có thể ưu tiên cho môn năng khiếu. Tuy nhiên, việc miễn thi không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu đối với môn học này. Các trường cần đặt ra yêu cầu trong khi xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết các năm học. Các yêu cầu này cần phải được công bố công khai trước khi tuyển sinh.
Khi PV Thanh Niên đề cập đến một số ngành có tuyển sinh năng khiếu (như ngành kiến trúc) rất cần thí sinh có năng lực các môn văn hóa nhưng nhiều trường chỉ đề cao môn năng khiếu (thông qua việc nhân hệ số) dẫn đến việc không đảm bảo chất lượng tuyển sinh, ông Khôi cho biết: Bộ không quy định phải nhân hệ số môn nào mà do hội đồng tuyển sinh của các trường tự quyết định. Tuy nhiên, Bộ sẽ xem xét và có thể có những sửa đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay.

Nguồn tin: http://www.thanhnien.com.vn

Tuyển sinh 2013: sẽ siết chặt hơn nữa các kỳ thi

Theo ông Ngô Kim Khôi, việc xét tuyển dự kiến sẽ có một số điều chỉnh như thời gian xét tuyển mỗi đợt sẽ kéo dài ít nhất 20 ngày, thời hạn cuối nhận hồ sơ xét tuyển sẽ rút ngắn lại để phù hợp và thuận tiện hơn cho lịch học của các trường…

Dự kiến ngày 22-1, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013 với một số thay đổi mới nhằm siết chặt kỷ luật thi cử

Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng – Bộ GD-ĐT, cho hay trong kỳ thi tuyển sinh tới sẽ có một số thay đổi về kỹ thuật.

 

tuyen sinh 2013, thi tot nghiep, thong tin tuyen sinh, tuyen sinh, luat thi cu, quy che thi, nguoi lao dong

Đề thi chủ yếu ở chương trình lớp 12

Theo ông Khôi, việc xét tuyển dự kiến sẽ có một số điều chỉnh như thời gian xét tuyển mỗi đợt sẽ kéo dài ít nhất 20 ngày, thời hạn cuối nhận hồ sơ xét tuyển sẽ rút ngắn lại để phù hợp và thuận tiện hơn cho lịch học của các trường…

Ngoài những thay đổi trên, các trường thuộc một số vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ sẽ được hưởng chính sách ưu tiên riêng trong tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương. Điều đáng lưu tâm trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 là thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng truyền tin vào phòng thi để tăng cường kỷ luật phòng thi.

Thí sinh là học sinh giỏi quốc gia tiếp tục được tuyển thẳng các ngành đúng hoặc gần với môn đoạt giải quốc gia. Thí sinh các huyện nghèo được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo các tiêu chí do các trường đề ra.

Cũng theo lãnh đạo bộ, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 vẫn ra theo hình thức kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học.

Lập tổ chấm kiểm tra thi tốt nghiệp THPT

Nhằm tăng cường kỷ luật thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, Bộ GD-ĐT sẽ siết chặt khâu chấm thi phần tự luận. Theo đó, mỗi hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi. Tổ chấm kiểm tra sẽ chấm lại ít nhất 10% số lượng bài thi đã chấm xong theo tiến độ chấm của hội đồng chấm thi, kịp thời phát hiện những sai lệch so với hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay việc thành lập tổ chấm kiểm tra với quy trình nghiêm ngặt tại các hội đồng chấm thi được kỳ vọng sẽ hạn chế tiêu cực như đã từng xảy ra trong năm trước khi có địa phương tự điều chỉnh, xây dựng hướng dẫn chấm thi riêng chứ không theo hướng dẫn của bộ.

Một điểm mới nữa là Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung mục ghi họ tên, số báo danh và chữ ký vào đề thi cho thí sinh. Với cách thức này, đề thi sẽ được bảo quản chặt chẽ hơn, thí sinh khó có thể chuyển đề cho nhau hoặc để lọt đề ra ngoài. Giám thị trong phòng thi sẽ phải ký tên vào giấy nháp và bài làm của thí sinh ngay sau khi giao đề. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, như vậy trách nhiệm của cả giám thị lẫn thí sinh đều được tăng cường theo hướng chặt chẽ hơn.

Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến bổ sung phần quy định về xử lý thông tin phản ánh tiêu cực. Bộ sẽ thông báo công khai 3 địa chỉ tiếp nhận thông tin, bằng chứng về những vụ việc vi phạm quy chế thi để người dân biết và liên hệ, gồm Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương,  ban chỉ đạo thi cấp tỉnh/TP hoặc thanh tra giáo dục các cấp. Bộ sẽ bảo đảm thông tin, bằng chứng và cả danh tính người cung cấp thông tin sẽ được bảo mật tuyệt đối.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định việc công khai địa chỉ tiếp nhận thông tin, bằng chứng về tiêu cực này sẽ huy động được mọi lực lượng ngoài ngành GD-ĐT tham gia vào việc tố cáo, đẩy lùi tiêu cực, làm lành mạnh hóa công tác thi cử.

USTH đã nhận hồ sơ xét tuyển

Đến thời điểm này đã có một số trường ĐH công bố phương án tuyển sinh năm 2013, thậm chí là nhận hồ sơ xét tuyển như Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Năm nay, USTH tuyển sinh hệ cử nhân các ngành: công nghệ sinh học – dược học, công nghệ thông tin – truyền thông, nước – môi trường – hải dương học, khoa học vật liệu – công nghệ nano, năng lượng tái tạo, vũ trụ và ứng dụng, với chỉ tiêu là 300. Trường tuyển sinh dựa trên xét hồ sơ và phỏng vấn bằng tiếng Anh đối với các thí sinh tốt nghiệp THPT trước hoặc trong năm 2013, có kết quả học tập các năm THPT từ khá trở lên và tiếng Anh ở trình độ giao tiếp. Thời hạn nhận hồ sơ đợt 1 đến ngày 15-1 (phỏng vấn tháng 2), đợt 2 vào ngày 31- 3 và đợt 3 vào ngày 31-8.

Nguồn: Kenh Tuyen Sinh