Tâm thư gửi Bộ trưởng Giáo dục về quy định liên thông mới

Nếu biết trước có quy định của Bộ GD thì em sẽ bỏ hẳn 1 năm, thậm chí là 2, 3 năm để ở nhà ôn thi ĐH chứ không phải mất thời gian, công sức, tiền bạc để học cao đẳng rồi lại rơi vào ngõ cụt như thế này.

Em là sinh viên của một trường Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Em viết thư này cho Bộ trưởng trong nỗi buồn, lo lắng xung quanh câu chuyện liên thông đại học.
Kính thưa Bộ trưởng, em là sinh viên năm cuối, chỉ còn 6 tháng nữa là em ra trường, dự định sẽ liên thông lên bậc đại học. Thế nhưng ước mơ đại học của em dường như đã bị sụp đổ sau khi em đọc quy định mới về liên thông của Bộ GD.
Quy định mới về đào tạo liên thông mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra yêu cầu người tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng nếu muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm.
Với đối tượng dự thi liên thông CĐ, ĐH đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ từ ba năm (36 tháng) trở lên sẽ dự thi ba môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, hoặc thực hành nghề) do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Sinh viên liên thông hệ chính quy sẽ học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.
Thưa Bộ trưởng, khi biết được quy định này, em gần như òa khóc. Ba năm học trôi qua, bao công sức nuôi ăn học của bố mẹ em, ước mơ vào đại học sắp thành thì dường như tan vỡ hết cả. Bởi chúng em đang ở trong một tình hình rất éo le. Muốn học liên thông thì phải thi kỳ thi ĐH. Vậy kiến thức 3 năm học CĐ đó của em để làm gì? Nếu thi như ĐH thì em lại phải đi ôn luyện như học sinh phổ thông. Còn để sau 3 năm đi làm để lấy kinh nghiệm thì lúc đó mới thi liên thông, liệu kiến thức em có còn không?
Em nghĩ rằng việc thắt chặt đầu vào liên thông đại học là rất tốt. Nhưng mà muốn liên thông lên đại học mà phải thi cùng học sinh phổ thông thì quá khó cho chúng em. Có nhiều hình thức thi để đảm bảo chất lượng khác mà Bộ GD có thể xem xét lại.
Thưa Bộ trưởng, ngay từ nhỏ em đã là người chú tâm vào học hành. Tuy nhiên, khi học hết THPT, em dự thi vào đại học xây dựng Hà Nội, không may mắn nên em đã trượt khi thiếu 0,5 điểm. Ước mơ vào đại học tan vỡ, em gần như suy sụp. Bố mẹ nói con cứ thoải mái, thi trượt thì năm sau thi lại. Thế nhưng để khỏi bỏ phí thời gian, em nghe theo lời khuyên của các anh chị, của thầy cô để học cao đẳng, sau đó thi liên thông đại học. Em tin tưởng rằng vào đại học còn có nhiều con đường khác nhau.
Thưa Bộ trưởng, trong ba năm qua, em luôn cố gắng học tập, để đạt thành tích cao. Ba năm miệt mài sắp trôi qua thì giờ đây em gần như sụp đổ. Sự kỳ vọng của gia đình, niềm tin của em dường như vụn vỡ. Quyết định về thi liên thông mới của Bộ GD đã chặn con đường vào đại học của em lại.
Em biết rằng, khi Bộ GD ra cái quyết định liên thông mới, sẽ tốt cho những bạn học chính quy, bởi vì bằng của các bạn sẽ bớt bị mất giá, cơ hội xin việc sau khi ra trường sẽ cao hơn. Thế nhưng, đối với những sinh viên TC, CĐ như chúng em thì chỉ có nước… ngồi khóc.
Nhiều người ủng hộ cho quyết định của Bộ GD, đơn giản vì họ không rơi vào trường hợp như em, không biết được cái éo le của chúng em. Bởi nếu có thi thì khả năng trượt cũng rất cao, như vậy em dường như không có cơ hội vào đại học. Chỉ còn 6 tháng nữa thôi, chúng em vừa học tập chuẩn bị ra trường, vừa ôn thi đại học thì làm sao kịp được?
Thưa Bộ trưởng, câu chuyện xin việc của sinh viên sau khi ra trường đã luôn là nỗi buồn. Tình trạng sinh viên thất nghiệp tràn lan đang ngày càng nhiều. Nếu sinh viên không có tấm bằng đại học thì chuyện xin việc càng thêm khó khăn. Qua những câu chuyện thực tế của các anh,các chị đều chỉ ra rằng, nếu không có tấm bằng ĐH liên thông mà chỉ bằng năng lực, con đường tương lai sẽ vô vàn chông gai, nhiều cơ hội sẽ vuột mất.
Nếu biết trước có quy định của Bộ GD thì em sẽ bỏ hẳn 1 năm, thậm chí là 2, 3 năm để ở nhà ôn thi ĐH chứ không phải mất thời gian, công sức, tiền bạc để học cao đẳng rồi lại rơi vào ngõ cụt như thế này. Đôi lần em nghĩ học CĐ có là sai lầm mà sao Bộ GD lại bắt chúng em đi đường vòng.
Thưa Bộ trưởng, Em viết thư này, mong muốn Bộ trưởng hãy thấu hiểu nỗi khổ của chúng em, của những sinh viên đang có bằng CĐ, đang tìm kiếm cơ hội học tập, làm việc. Mong Bộ trưởng hãy suy nghĩ trong hoàn cảnh của chúng em để có một biện pháp hợp lý hơn về vấn đề đào tạo liên thông.
Độc giả Mạnh Cường

Chất lượng liên thông kém, lỗi tại Bộ?

Trước quy định mới về liên thông ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí có ý kiến thời thẳng thắn: liên thông biến tướng trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý giáo dục.

  • >> 8 điểm yếu của giáo dục Việt Nam

  • >> Giáo dục khai phóng – đâu phải nói cho “sang”

  • >> Không cơ chế hợp lý, 50.000 sinh viên phải nghỉ học?

 

Quy định gây tranh cãi

Nhiều độc giả thể hiện sự đồng tình với cách làm của Bộ cũng như ý kiến của Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn. Không ít ý kiến cho rằng chủ trương này sẽ giúp đảm bảo chất lượng của bậc đào tạo ĐH, đảm bảo sự công bằng, hạn chế trường hợp “vàng thau lẫn lộn”.

 

Một số độc giả hiện đang là giảng viên các trường ĐH có đào tạo hệ liên thông cũng lên tiếng cho rằng việc siết chặt đầu vào liên thông là một phương hướng đúng.

Chất lượng liên thông kém, lỗi tại Bộ? (Ảnh minh họa)

Một giảng viên gay gắt phản đối việc một sinh viên CĐ, thi ĐH được 10 điểm/3 môn được học tiếp ĐH, nhận tấm bằng ĐH giống như những SV chính quy khác là không công bằng. Thậm chí, có những người chỉ tốt nghiệp trung cấp, liên thông lên CĐ mất 1,5 năm, sau đó lại liên thông lên ĐH mất 1,5 năm nữa. Trong khi đó, thi liên thông thì 100% là đỗ do những thí sinh này là nguồn thu của nhà trường.

Tuy vậy, ngoài đa số người học CĐ nhằm mục đích đi đường vòng để học tiếp ĐH thì cũng có những SV CĐ không hề thua kém SV ĐH. Một độc giả nêu dẫn chứng về những thí sinh đạt 25 điểm trong mùa thi 2011-2012 vừa qua mà vẫn chưa đỗ ĐH để cho thấy rằng có những thí sinh điểm rất cao nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1, vẫn phải vào học CĐ vì không muốn học trường dân lập hay chuyển ngành học khác có điểm trúng tuyển thấp hơn.

Cũng có những trường hợp đỗ ĐH như độc giả Phạm Vân, nhưng chọn học CĐ để nhanh ra trường, kiếm việc làm giúp đỡ gia đình, sau đó vừa làm vừa học liên thông để bổ sung kiến thức.

“Cái bằng là cái đích mà ai cũng có quyền được thử sức, lấy hay không, đi đường vòng hay đi đường thẳng, 4 năm hay 10 năm hay cả đời là tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng người dân. Bộ GD có siết thì siết đầu ra thật chặt. Xã hội có siết thì siết khâu tuyển dụng thật chặt, sao lại ngáng gậy giữa đường?” – độc giả Phạm Vân bức xúc.

Lỗi quản lý, sao bắt các em gánh?

Đồng tình với ý kiến ‘Bộ nên siết chặt đầu ra’, ‘quản lý chất lượng liên thông hơn là không kiểm soát được thì cấm’, nhiều độc giả cho rằng để xảy ra tình trạng này “tất cả là do lỗi yếu kém của Bộ mà ra!” – ý kiến của Nguyễn Ngọc Minh.

“Bộ GD đang đem con bỏ chợ, không kiểm soát được thì cấm. Tôi nói thật, nhiều SV CĐ ở một số trường còn khá hơn nhiều so với các trường ĐH dân lập, kể cả một số trường công lập khác. Theo tôi, mấu chốt của vấn đề là Bộ phải kiểm soát được chất lượng đầu vào và đầu ra hệ liên thông của từng trường chứ không nên có quy định cứng nhắc như vậy. Bộ nên áp dụng những biện pháp mạnh đối với những trường có hệ liên thông chứ không thể đưa ra những quy định gây thiệt hại cho người học được”.

Chất lượng liên thông kém, lỗi tại Bộ? (Ảnh minh họa)

Một ý kiến khẳng định “học liên thông không có gì xấu. Vấn đề là chất lượng đào tạo thôi!” Một số ý kiến khẳng định vẫn có những trường đào tạo liên thông rất nghiêm túc, SV phải học hành rất vất vả, học theo được có thể bị cảnh cáo, lưu ban hoặc buộc thôi học vĩnh viễn, SV liên thông học cùng, thi cùng SV chính quy. Có những trường điểm đầu vào của SV liên thông là 15/20, tỷ lệ chọi 6/1… chứ không phải chỉ cần đăng ký thi là đỗ 100%…

“Theo tôi, Bộ cần phải đánh giá chất lượng đào tạo từng cơ sơ và có những chế tài áp dụng riêng cho từng cơ sở đào tạo hoặc những hệ đào tạo còn yếu kém của các cơ sở này, không nên đánh đồng toàn bộ làm hạn chế nhu cầu học của học sinh” – ý kiến của độc giả Nguyễn Bảo Linh.

“Quyết định trước đây của Bộ GD-ĐT về chương trình liên thông chưa hẳn đã sai nếu như Bộ kiểm soát chặt chẽ chương trình, phương pháp tổ chức và chất lượng đào tạo liên thông ở các trường” – bạn đọc Vũ Khúc nhận xét.

Còn độc giả Nguyễn Lương cho rằng “đào tạo liên thông không đảm bảo chất lượng là lỗi của các nhà quản lý giáo dục, sao lại bắt các em gánh chịu?”

Bộ đã vội vàng

Riêng độc giả Lê Anh Duy thì cho rằng, mặc dù quy định mới là một quan điểm tích cực và cần thiết, nhưng Bộ đã “có phần vội vàng và chưa đưa ra được những câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề”.

Theo độc giả Duy Anh, quy định mới “chỉ nên áp dụng đối với những học sinh năm nay mới thi TC-CĐ. Việc đưa luật vào quá bất ngờ thế này sẽ làm bản thân các SV TC-CĐ không thể chuẩn bị cho mình một trạng thái tốt nhất cho việc thi liên thông được. Bộ làm vậy có phần cứng nhắc và làm khó SV CĐ đang theo học, nhất là đối với những SV năm cuối”.

(BVN)