Bất cập trong các học “tín chỉ – niên chế”

Cả nước hiện có trên 100 trường ĐH, CĐ áp dụng phương thức đào tạo tín chỉ, tuy nhiên, khâu đánh giá quá trình học tập của sinh viên (SV) theo học chế mới này chưa đem đến sự hài lòng.
Mạnh dạn loại bỏ những cái lỗi thời để xác lập một cách đánh giá hiệu quả và tin cậy hơn là đề xuất được nhiều đại biểu tham gia hội thảo khoa học toàn quốc “Đổi mới kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ” (do Trường ĐH Sài Gòn vừa tổ chức) đồng tình.
Học tín chỉ, thi… niên chế
Theo khuyến nghị của Bộ GD-ĐT, tất cả các trường ĐH, CĐ trên cả nước đều phải chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ vào năm 2011. Tuy nhiên, có lẽ do khó khăn, mốc thời gian này lại được dời đến năm 2015.
Trong hơn 100 đơn vị đã “chuyển giai đoạn” sang đào tạo theo học chế tín chỉ, vấn đề giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo luôn là mối băn khoăn. Và trong câu chuyện đảm bảo chất lượng, khâu “đầu ra” bắt đầu được quan tâm, dù cho trước đó, “công đoạn” này được chú ý hết sức mờ nhạt.
TS. Tôn Thất Dụng – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Huế – cho rằng suốt một thời gian dài, giáo dục ĐH nước ta quan tâm nhiều đến “đầu vào” vì cho rằng “đầu vào” tốt sẽ có “đầu ra” tương ứng. Điều này chỉ hợp lý khi kiểm soát được quá trình từ đầu vào đến ra trường và cả lúc SV tham gia thị trường lao động. Trên thực tế, nhiều học sinh học cật lực để vào được ĐH rồi “hãm phanh” vì đằng nào cũng được ra trường. Từ đó dẫn đến việc SV thụ động, dạy gì học nấy, không nâng cao năng lực tự học. Phía người dạy, hầu hết cũng chỉ đánh giá SV qua các phần thi kết thúc học phần.
ThS. Thi Thị Hà (Trường ĐH Hồng Đức) cũng nêu thực tế, nhiều SV có tư tưởng kiểm tra, thi như thế nào thì học như thế ấy. Đối với học chế tín chỉ, việc kiểm tra, đánh giá không chỉ dừng lại ở những bài viết trên lớp mà còn ở phần chuẩn bị ở nhà, tham gia thảo luận thực hành, phát biểu…
Trong khi đó, TS. Trần Quang Thái (Khoa Giáo dục chính trị Trường ĐH Đồng Tháp) nhận định, dù học tín chỉ nhưng hiện khâu kiểm tra, đánh giá kết thúc môn học tại nhiều trường vẫn tương tự niên chế là tổ chức thành đợt chung, có giám thị, giám sát thanh tra, đề thi mang tính bảo mật, chấm thi thường gồm hai giảng viên… Tuy tạo được tính nghiêm túc nhưng đối với học chế tín chỉ, hình thức làm này khá tốn kém và tạo cho SV tâm lý coi trọng thi cử hơn việc kiểm tra đánh giá.
Mạnh dạn sàng lọc
Thay cho việc phải tổ chức thành đợt thi chung “rình rang”, TS. Trần Quang Thái đề nghị giao hẳn khâu tổ chức kiểm tra, đánh giá kết thúc môn học cho giảng viên phụ trách môn. Bộ môn sẽ tham gia duyệt đề trước khi tiến hành kiểm tra, đánh giá để đảm bảo chất lượng.
“Quan sát một giảng viên nước ngoài tham gia dạy chương trình tiên tiến ngành vật lý tại Trường ĐH Sư phạm Huế, chúng tôi thấy bảng điểm của họ có 10 điểm kiểm tra thường xuyên, họ đảm nhận việc coi thi cuối học phần, đồng thời quyết định cả kết quả học phần nhưng chất lượng cuối cùng rất đáng tin cậy” – TS. Tôn Thất Dụng cho biết. Ông còn cho rằng, đối với đào tạo tín chỉ, các trường nên cương quyết sàng lọc SV không đủ năng lực nhằm thắt chặt đầu ra. “Ở nước ngoài, việc SV bị thôi học do không đủ khả năng là bình thường nhưng với các trường tại Việt Nam, đây là mối e ngại lớn. Dư luận xã hội thường chú ý quá mức vấn đề này” – TS. Tôn Thất Dụng nói.
ThS. Thi Thị Hà lưu ý thêm khi kiểm tra, đánh giá theo nhóm, việc cho điểm mang tính cào bằng sẽ gây tư tưởng ỷ lại trong một số SV lười cũng như không khuyến khích được những em năng nổ. Những em có nhiều đóng góp mà không được ghi nhận dần dần sẽ chán và giảm nhiệt tình. Ngoài ra, nên chú ý ra những dạng đề thi mang tính suy luận để tránh tình trạng SV quay cóp do lớp đông khó kiểm soát.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Báo Giáo dục TP HCM
“Hình thức tín chỉ cho phép SV được chọn giảng viên. Tuy nhiên phần lớn SV hiện nay không chọn giảng viên dựa trên thành tích khoa học, chuyên môn nghiên cứu mà dựa theo tiêu chí… dễ dãi trong kiểm tra, đánh giá. Điều này dẫn đến việc đánh giá kết quả học tập nói chung và đánh giá quá trình nói riêng đôi khi chưa được công bằng, khách quan. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên có lúc cũng chưa hiểu đúng và đầy đủ về đào tạo theo tín chỉ, kỹ năng dạy học, kiểm tra, đánh giá theo phương pháp tiên tiến làm cho việc đánh giá bị lệch lạc. Chẳng hạn, có giảng viên đánh giá điểm chuyên cần bằng cách điểm danh, điều này là bất hợp lý đối với những em có mặt tại lớp nhưng không chuẩn bị bài, từ chối tham gia thảo luận thậm chí nói chuyện trong giờ học” – TS. Nguyễn Anh Hiền (Khoa Tài chính – Kế toán Trường ĐH Sài Gòn) nhìn nhận.

Tổng kết Chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp

Ông Đỗ Quốc Anh – giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – phát biểu tại lễ tổng kết –  Ảnh: Thu Vân

 

Đánh giá về chương trình, lãnh đạo các trường ĐH cho rằng chương trình được xã hội đánh giá cao ở tính phi lợi nhuận và hiệu quả thiết thực khi hướng đến mục đích cung cấp thông tin ngành nghề cũng như định hướng việc chọn ngành, chọn trường cho học sinh, phụ huynh không chỉ ở trung tâm các tỉnh, thành phố mà còn chú trọng đến đối tượng học sinh vùng sâu vùng xa.

Tại buổi tổng kết, đại diện Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP.HCM rất tâm đắc với những nét mới của kế hoạch tư vấn năm 2013 và cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ cùng Tuổi Trẻ thực hiện thành công chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2013.

Năm 2012, Tuổi Trẻ đã tổ chức 17 chương trình tư vấn và ngày hội, trực tiếp tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho hơn 140.000 học sinh khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó còn có các chương trình tư vấn trực tuyến, tặng CD cẩm nang tuyển sinh điện tử cho học sinh.

 Tuổi trẻ